Looking for more resources for supporting parents during COVID-19? Visit the Start Talking Now Facebook page.

Phụ huynh và người chăm sóc

You are here

Home » Phụ huynh và người chăm sóc

Nhấp vào đây để xem toàn trang mạng bằng tiếng Việt 

Trang này trình bày thông tin về:

Quý vị là người ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong những quyết định của con em tuổi thanh thiếu niên khi các em muốn dùng cần sa, ma túy.

Ảnh hưởng hơn cả bạn bè. Hơn cả các tài tử, minh tinh, hay bất cứ danh nhân nào khác. Vì thế mà việc các em thanh thiếu niên cần biết quý vị nghĩ gì về việc tránh xa không sử dụng cần sa, rượu hay những loại ma túy khác rất quan trọng và sẽ giúp các em biết cách chọn lựa sáng suốt, trong đó có cả việc đi tìm cho mình những phương cách lành mạnh để đối phó với những khó khăn trong đời.

Nói chuyện với con em thanh thiếu niên về những đề tài này có thể sẽ không dễ dàng, nhưng nghiên cứu cho thấy, nói chuyện với các em là điều quan trọng nhất quý vị có thể làm để các em thấy quý vị chú tâm lo lắng, đặt kỳ vọng nơi các em và giúp giữ các em an toàn, mạnh khỏe. Những cuộc trò chuyện này có thể chỉ là những cuộc nói chuyện giản dị, bình thường, tự nhiên khi quý vị có thời giờ cho các em. Đây là danh sách những câu trả lời cho thắc mắc mà con em quý vị có thể hỏi về rượu và cần sa, để giúp quý vị chuẩn bị cho những cuộc trò chuyện như thế. Không phải ai cũng giống ai, vì vậy xin quý vị nhớ phản ứng một cách phù hợp theo quan điểm và kinh nghiệm riêng của mình. Trò chuyện thật lòng và ôn hòa tạo được nhiều ảnh hưởng hơn.

Dưới đây là những nguồn hỗ trợ bổ túc để giúp quý vị trò chuyện với con em thanh thiếu niên:

Hướng dẫn dành cho phụ huynh và người chăm sóc.

Dành thời giờ cho con em quý vị, trò chuyện thường xuyên và cùng nhau tham gia những sinh hoạt thú vị!

Quý vị có thể giúp con em tránh cần sa, rượu hoặc những loại ma túy khác khi quý vị gần gũi với các con, đưa ra những giới hạn hợp lý và theo dõi cuộc sống các con.

Tạo cơ hội gần gũi.

Các em thanh thiếu niên ít uống rượu, dùng cần sa, ma túy khi cha mẹ, phụ huynh và/hoặc người chăm sóc các em luôn có mặt trong cuộc sống các em và khi các em cảm thấy gần gũi với cha mẹ, hay người chăm sóc của mình. Để tăng sự gần gũi trong gia đình:

  • Mỗi ngày cho con em quý vị có ít nhất 15 phút riêng với quý vị.
  • Cùng nhau làm những điều thú vị.
  • Khen, khích lệ con em quý vị khi các em có những quyết định và chọn lựa lành mạnh.
  • Ăn chung bữa với nhau.

Đưa ra giới hạn rõ ràng.

Đưa ra các quy luật, nguyên tắc rõ ràng sớm, trước sau như một và thường xuyên nhắc nhở về những quy luật, nguyên tắc này. Đưa ra những giới hạn hợp lý:

  • Nói chuyện thường xuyên với các con về những kỳ vọng của quý vị.
  • Áp dụng kỷ luật công bằng và trước sau như một bất cứ lúc nào các em vi phạm những quy luật, nguyên tắc quý vị đề ra.
  • Giúp con em quý vị giữ quan hệ tốt với các bạn.
  • Giúp con em tập tránh xa ma túy.

Theo dõi các mối giao tiếp của các em.

Luôn luôn biết con em thanh thiếu niên của quý vị đang làm gì, đi đâu và đang giao du, tiếp xúc với ai. Giúp các em quý vị dự tính những sinh hoạt an toàn và vui thích. Hãy nhớ hỏi các em năm câu sau:

  • Con đi đâu?
  • Con sẽ làm gì?
  • Con đi với ai?
  • Khi nào con về?
  • Nơi con đến có rượu, cần sa, ma túy không?

Uống rượu, dùng cần sa, ma túy khi còn tuổi vị thành niên mang đến những nguy cơ gì?

Sử dụng rượu, cần sa, ma túy lúc còn nhỏ tuổi khiến các em thanh thiếu niên có nhiều nguy cơ bị nghiện và gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe, học hành không tấn tới, khó khăn trong việc chọn nghề vì hay bị bắt giữ và thiếu giáo dục. Sử dụng rượu, cần sa, ma túy:

  • Có thể làm hại bộ não tuổi thanh thiếu niên đang phát triển. Rượu, cần sa, ma túy có thể làm suy giảm khả năng hoạt động các vùng não kiểm soát sự phối hợp vận động, kiểm soát xung động, trí nhớ, học tập và phán xét. Vì bộ não tuổi thanh thiếu niên còn đang phát triển nên dễ bị tổn thương bởi ảnh hưởng của rượu, cần sa, ma túy.
  • Có thể gây nghiện. Trẻ em uống rượu trước 15 tuổi, khi trưởng thành, có nguy cơ mắc phải những vấn đề liên quan đến rượu gấp 4 lần người khác, và những người bắt đầu sử dụng cần sa trước 18 tuổi có nguy cơ mắc chứng rối loạn sử dụng cần sa cao gấp 4 đến 7 lần so với những người không sử dụng sớm như thế.
  • Liên quan đến ba nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ vị thành niên tử vong: Tai nạn (như chết vì tai nạn giao thông, chết đuối), giết người và tự vẫn.

Tìm hiểu sự thật về những nguy cơ của việc trẻ em vị thành niên sử dụng chất gây nghiện.

Cùng nhau tạo thói quen tốt.

Giúp con em quý vị tạo những thói quen tốt, đặt mục tiêu cho cuộc sống và tập cách đối phó lành mạnh.

  • Đặt mục tiêu cho cuộc sống: Đặt mục tiêu cho cuộc sống giúp chúng ta thấy cuộc sống có mục đích và tin tưởng vào một tương lai sáng lạn. Cuộc sống hiện tại có thể khó khăn nhưng chúng ta sẽ vượt qua dễ dàng hơn vì lạc quan, luôn nhắm đến các cơ hội trong tương lai. Nói chuyện với con em quý vị về những gì các em muốn thực hiện trong tương lai và giúp các em chuẩn bị.
  • Tạo thói quen tốt: Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe và cảm xúc. Lập khuôn khổ (như ăn uống đúng giờ), tạo điều kiện cho thói quen tốt và nói chuyện với con em quý vị về lý do tại sao những thói quen lành mạnh vô cùng quan trọng. Cùng với con em lập cách thức để rèn luyện và giữ gìn thói quen tốt.
  • Phát triển khả năng đối phó: Điều quan trọng đối với các em thanh thiếu niên là tìm được những sinh hoạt giúp các em cảm thấy bình an hơn khi bị căng thẳng, lo lắng. Hãy cùng với con em quý vị tìm cách đưa những sinh hoạt đó vào cuộc sống của các em — như thảy banh sân nhà sau bữa ăn tối, đi dạo quanh khu phố, mỗi ngày dành chút thời giờ vẽ vời, hay chỉ đơn giản là đếm từ 1 đến 10 và hít thở sâu khi cảm thấy mọi điều chung quanh ngoài tầm kiểm soát.

Tìm nơi trợ giúp.

Quý vị đừng ngại khi cần đến sự giúp đỡ của người khác cho con em quý vị và ngay cả cho quý vị! Tất cả những nguồn hỗ trợ dưới đây cung cấp dịch vụ chuyển âm TSR 711 và dịch vụ ngôn ngữ.

  • Teen Link là đường dây trợ giúp miễn phí, kín đáo các em thanh thiếu niên có thể dùng, bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin hoặc trò chuyện với những thanh thiếu niên khác đã được huấn luyện, từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối, theo giờ Thái Bình Dương. Con em quý vị có thể nói với những bạn đồng tuổi này bất cứ điều gì các em nghĩ. Khuyến khích con em quý vị gọi điện thoại, nhắn tin hoặc trò chuyện qua số 1-866-TEENLINK (833-6546). Người lớn cũng có thể gọi Teen Link để nói chuyện với chuyên viên lâm sàng về ngăn ngừa sử dụng chất gây nghiện. Vào www.teenlink.org để biết thêm chi tiết.
  • Washington Recovery Help Line là đường dây trợ giúp 24/24, ẩn danh, kín đáo, hỗ trợ những người đang chống chọi với các chứng rối loạn do sử dụng chất gây nghiện gây ra và những khó khăn sức khỏe tâm thần. Gọi 1-866-789-1511 hoặc vào trang WARecoveryHelpLine.org để biết thêm chi tiết.
  • Washington Listens giúp đỡ những người buồn bã, lo lắng hoặc tinh thần căng thẳng. Đường dây này hoạt động từ thứ hai đến thứ sáu, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, theo giờ Thái Bình Dương, và cuối tuần, từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều, theo giờ Thái Bình Dương. Vào cổng thông tin Washington Listens để biết thêm chi tiết.